Đình Thần Thắng Tam – Nguồn gốc hình thành – Phần 1
Du lịch Vũng Tàu: Đình Thần Thắng Tam – Nguồn gốc hình thành – Phần 1 : Trong bất cứ làng nào của miền Nam cũng có một ngôi Đình. Hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc giữ được vẻ cổ kính, cũ kỹ của thời mới xây cất, hoặc đã sửa sang tu bổ lại. Đấy là nơi thờ một vị thần chung cho cả làng gọi là Thần – Hoàng, Thần Hoàng có nơi là người làng, một nhân vật có công to lớn đối với làng nên được họ xin Vua phong sắc để thờ ở Đình, có khi Thần không phải là người ở làng mà là một nhân vật lịch sử đã được mọi người biết đến dân làng cũng có quyền chọn làm Thần hoàng , một đặc điểm chung Thần hoàng phải là một nhân vật tài – đức kiêm toàn.
Đình ngày xưa cũng là nơi để dân làng hội họp khi cần giải quyết những vấn đề quan trọng, những việc chung cho cả làng . Đình Thần Thắng Tam thuộc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo được xây cất lên cũng để hội họp và thờ cúng như trên, tuy nhiên về lối kiến trúc Đình cũng như sự thờ cúng ở Đình Thần thắng Tam không giống với các làng khác.
Đình Thần Thắng Tam hiện nay còn lưu giữ được 12 đạo sắc của triều Nguyễn phong cho các vị Thần được thờ ở tại Đình là :
– Thiên Y A NA
– Đại Càn Quốc Gia Nam Hải từ vị thượng đẳng Thần.
– Cá Ông.
– Thủy Long Thần Nữ.
Nhưng trong tâm trí nhân dân địa phương vẫn đinh ninh nhắc nhở truyền thuyết ba vị tổ đầu tiên của mình ở thời Vua Gia Long nhà Nguyễn. Truyền thuyết kể rằng :
“ Thuở ấy có một số cướp biển Mã Lai thường hay đột nhập cửa sông Bến Nghé đón đường cướp bóc tiền bạc, hàng hóa, bắt cóc người trên các thuyền buôn , làm cản trở và gây nguy hiểm cho thông thương giữa Gia Định với các tỉnh miền Trung. Sách Vũng Tàu xưa và nay cho biết. Được tin báo về kinh, để bảo vệ thương thuyền người Việt, Gia Long liền phái ba đội quân đi trên ba chiếc thuyền, mỗi đội quân do một viên suất đội thống lĩnh, chịu trách nhiệm điều khiển cuộc hành quân, chỉ huy những người lính biên phòng đi làm việc nước, với con mắt quân sự, thạo địa hình họ chọn nơi thuận lợi, vừa có thể kiểm soát cửa sông Sài Gòn, vừa có thể rượt đuổi bọn cướp biển Mã Lai.
Đổ bộ lên đất liền họ lập trại an ninh đặt tên cho doanh trại nơi đây là phước Thắng. Ba đội quân vừa làm việc nước vừa khai hoang lập ấp này là những tay tài giỏi, tháo vát, đã hoàn thành sứ mạng. Trong vòng mấy năm, phần lớn hải tặc Mã Lai và Tàu Ô bị diệt trừ, số ít còn lại chẳng còn dám đến đáng cướp thương thuyền ở cửa sông Sài Gòn nữa. An ninh dân chúng trong vùng cũng nhờ đó được giữ gìn, cuộc sống nơm nớp vì bọn cướp bể chấm dứt. Năm 1822 Minh Mạng sắc chiếu ban khen, ban thưởng phẩm hàm cho đám quân nhân này được giải ngũ.
Xem thêm: Đình Thần Thắng Tam – Nguồn gốc hình thành – Phần 2, Đình Thần Thắng Tam – Nguồn gốc hình thành – Phần 3, ĐÌNH THẦN THẮNG TAM Phong Tục Hội Hè , Đình Thần Thắng Tam – Kiến trúc – Phần 1.
Nguồn: Sưu tập