Nhà Lớn Long Sơn
Du lịch Vũng Tàu: Vào khoảng năm 1909 ông Trần xin với chính quyền Pháp ở Bà Rịa cho lập ra nhà thờ đức Khổng Tử để dạy dân những điều “ nhân luân” “ Ái quốc” theo đạo Khổng. Được chấp thuận, năm 1910 ông Trần cho xây dựng lên nhà Thánh làm khu điện Nhà Lớn Long Sơn. Sau đó tiếp tục dựng lên lầu trời ( lầu giữa ), lầu Tiên và lầu Phật, sửa lại nhà hỏng vốn có từ trước cho to rộng và đẹp hơn .
Năm 1927 ông Trần lại cho dựng thêm ngôi lầu cấm làm tiền điện, hai ngôi nhà khách để tiếp khách từ phương xa tới, cổng tam quan khu vườn hoa, 2 cổng tả vu và hữu vu.
Năm 1928 ông cho dựng ngôi lầu dài dưới để trống, trên lầu bày bàn thờ lễ nghi, đồng thời ông cũng cho dựng nên 5 dãy nhà dài ( dãy phố ) làm nhà ở của bá tánh ( người từ các nơi tới ), xây chợ để dân tới mua bán, dựng kho chứa thóc, kho chứa đồ, nhà máy đèn, nhà thợ mộc để làm việc và nhà bếp để nấu ăn chung, ông cho xây 5 hồ ( Bể ) chứa nước ngọt gọi là ngũ hồ, 4 lu chứa nước mưa gọi là tứ hải. Ông Trần cũng cho xây dựng khu nhà Long sơn hội làm chỗ hội họp việc làng ( ngôi đình ), dựng nhà trường để đón hai thày giáo về dạy chữ quốc ngữ cho trẻ nhỏ.
Tiền của để xây dựng Nhà Lớn Long Sơn được trích từ công quĩ, phần “ ăn chung” và do dân ở các nơi xa gần quyên góp, nhân lực do dân địa phương thay phiên nhau đến làm. Thợ mộc và thợ nề cũng là người ở địa phương. Vật liệu xây dựng : gạch mộc, ngói tây, ngói vẩy cá ngói máng ( ngói âm dương ), vôi, cát mua ở Bà Rịa, gạch bông, tượng rồng tượng người, hoa văn trang trí, xi măng mua ở Sài Gòn – Chợ Lớn chở về bằng nghe. Gỗ lấy ở rừng đảo và rừng bên núi Phước Hòa ( Đồng Nai ). Ông Trần vẽ mẫu và đứng ra tổ chức xây cất : ai biết nghề thợ mộc vào ban mộc đẽo cột, xà, xẻ rui mè… thợ nề thì xây móng, xây tường, lát gạch, lợp ngói, gắn hoa văn trang trí, những người khác tham gia đóng móng khiêng đất đá đổ nền, làm vữa và phục dịch người đến làm không tính công xá, chỉ cùng ăn cơm trong Nhà Lớn.
Những công trình kiến trúc do ông Trần tổ chức xây dựng nên đều nằm trong một khu vực, tạo thành một quần thể kiến trúc tôn giáo mà nhân dân quen gọi là NHÀ LỚN (Nhà Lớn Long Sơn ) . Từ sau khi ông Trần qua đời và được đưa vào thờ cúng trong NHÀ LỚN thì khu di tích này lại có tên gọi là đền thờ ông Trần. Khu NHÀ LỚN ( đền thờ ông Trần ) thực chất là khu đền thờ, thánh địa của đạo ông Trần, đồng thời khu này cũng có dáng dấp một ngôi đình làng mà thành hoàng được dân thờ phụng chính là ông Trần.
Xem thêm:Tượng Chúa Kitô Vua, Niết Bàn Tịnh Xá Lịch sử hình thành.
Nguồn: Sưu tập