Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu

“Tháng Tám Lễ hội Nghinh Ông/Ai đi đâu đó nhớ mong mà về/Về đây cúng lễ cầu ngư/Thuyền đầy tôm cá nhà nhà ấm no”. Câu ca dao đã đi sâu vào lòng người dân làm nghề biển ở Vũng Tàu. Và hàng năm, vào dịp 16/8 âm lịch, mọi người lại hẹn nhau về dự Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu.

Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu 2020
Đoàn Nghinh Ông diễu hành qua các tuyến đường: Bacu – Trần Hưng Đạo – Hoàng Hoa Thám.

7 giờ sáng 2/10 (16/8 âm lịch), hàng trăm người dân, du khách đã tề tựu trước Nhà Truyền thống Cách mạng (số 1 Bacu, TP. Vũng Tàu) đợi đoàn rước Nghinh Ông từ biển trở về. Năm nay, Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu trùng vào cuối tuần, thời tiết mát mẻ, mưa nhẹ, thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội và hoạt động vui chơi của du khách.

Cũng như mọi năm, ngoài các nghi lễ truyền thống như: Nghinh Ông từ biển về an vị tại Đình thần Thắng Tam, lễ cúng Tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ, lễ thỉnh sắc thần vào Lăng Ông Nam Hải, lễ cúng tế Ông Nam Hải, lễ xây chầu đại bội…, người dân còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa trong lễ hội như: xem hát bả trạo, hát bội, tuồng cổ, múa lân – sư – rồng. Trong đó, nghi thức Nghinh Ông trên biển và đoàn rước diễu hành theo lộ trình Bacu-Trần Hưng Đạo-Hoàng Hoa Thám-Đình thần Thắng Tam được nhiều người dân chờ đợi. Hoạt động của đoàn diễu hành chẳng khác một lễ hội hóa trang khi những người tham gia lễ rước hóa thân vào các sinh vật biển (tôm, cua, cá, mực…) theo mô phỏng chiếc thuyền và Cá Ông khổng lồ. Đoàn rước đi đến đâu, tiếng phèng la, nhạc ngũ âm và lân – sư – rồng nhảy múa mở đường đến đó, tạo nên không khí rộn ràng kéo dài hàng cây số.

Ông Trần Đông Hưng (75/9 Mã Lò, Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh) cho hay: “Khi đoàn Nghinh Ông lên bờ, cả nhà tôi gồm 5 người đã đi bộ cùng đoàn diễu hành về Đình thần Thắng Tam và thành kính thắp nén nhang cầu mong sức khỏe, bình an. Chúng tôi đã hiểu thêm về nghi thức cúng tế của ngư dân vùng biển và có thêm những trải nghiệm thú vị”, ông Hưng – một người dân tham gia Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu nói.

hóa trang - Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu 2020
Người tham gia đoàn rước hóa thân vào các sinh vật biển: tôm, cua, cá mực…

Hòa chung với người dân địa phương và du khách trong nước dự lễ hội còn có những người nước ngoài. Chị Marcia Lee Ring, người Mỹ vui vẻ tạo dáng với bạn để chụp hình cùng đoàn diễu hành. Chị cho hay, đã đến Vũng Tàu được 2 năm, hiện đang dạy tiếng Anh tại thành phố biển. Chị biết đến Lễ hội Nghinh Ông sau khi tham quan Đình thần Thắng Tam. “Tôi đã được nghe giới thiệu về tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân vùng biển và đây là lần đầu được dự lễ hội nên rất phấn khích. Chúng tôi hẹn nhau dậy sớm ra Công viên Bãi Trước, chờ đoàn Nghinh Ông trở về từ biển. Sau đó, chúng tôi hòa cùng đoàn diễu hành về Đình thần Thắng Tam. Chúng tôi đã có những bức ảnh kỷ niệm đáng nhớ khi được tham gia lễ hội truyền thống của các bạn”, chị Marcia nói.

Lần đầu tham dự lễ hội, anh Goyo Gomez (người Tây Ban Nha) còn xin theo đoàn rước để ra biển Nghinh Ông. Đoàn xuất phát từ cảng Cầu Đá lúc 5 giờ 30 đến trước khu vực miếu Hòn Bà thì dừng lại làm lễ, sau đó trở về khu vực Bãi Trước. “Tôi có kênh Youtube riêng với 300 ngàn người theo dõi. Trên đó, tôi thường giới thiệu món ăn, điểm đến để mọi người biết thêm về đặc sản các vùng miền ở những quốc gia nơi tôi đặt chân đến. Lần này tôi sẽ giới thiệu về tín ngưỡng thờ Cá Ông của người dân Vũng Tàu. Đây là trải nghiệm tuyệt vời và chắc chắn sẽ thu hút nhiều người xem”, anh Goyo nói.


    CÁC HOẠT ĐỘNG TẠI LỄ HỘI NGHINH ÔNG
    Phần lễ: ngày 2/10 diễn ra chánh lễ Nghinh Ông; ngày 3/10: trình diễn tuồng cổ; ngày 4/10: các hiệp hội và khách đến cúng lễ, trình diễn tuồng cổ và bế mạc.
    Phần hội: ngày 2/10 khai mạc hội thi câu cá tại bờ kè biển nhà ga cáp treo Vũng Tàu (01, Trần Phú, TP.Vũng Tàu); ngày 3/10: khai mạc phần hội tại Công viên Cột Cờ Bãi Sau và thi đấu các môn: kéo co nam nữ, đẩy cây nam; cờ caro trên cát, đan lưới.

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu vừa mang đậm nét văn hóa dân gian Nam Bộ, vừa có nét văn hóa riêng của ngư dân BR-VT, được gìn giữ bao đời nay. Ông Trương Văn Khôi, Trưởng Ban quản lý di tích văn hóa Đình thần Thắng Tam cho biết, các nghi thức truyền thống của lễ hội như: lễ cầu ngư, lễ cúng tế Ông Nam Hải, cúng giỗ các bậc tiền hiền và anh hùng liệt sĩ… với ý nghĩa cầu quốc thái dân an, trời yên biển lặng, ngư dân may mắn thuận lợi, vượt qua mọi khắc nghiệt của thời tiết để thành công trong những chuyến ra khơi. “Những năm gần đây, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu không chỉ thu hút ngư dân mà còn có nhiều người dân và du khách từ khắp nơi về cúng tế, chiêm bái. Dự kiến, lễ hội năm nay thu hút trên 5.000 lượt người dân và du khách”, ông Khôi nói thêm.

Cùng với nghi thức tế lễ, đoàn rước Nghinh Ông, Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu còn diễn ra phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống, thể hiện hoạt động lao động và vui chơi giải trí hàng ngày của ngư dân như: thi câu cá, kéo co, đẩy cây, cờ ca rô trên cát, đan lưới…

Nguồn: UBND TP Vũng Tàu
Xem thêm: Singapore mở cửa biên giới với du khách Việt Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu công bố, giới thiệu điểm đến an toàn và chương trình kích cầu Du lịch cuối năm.

Đánh giá và nhận xét

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *