Ưu tiên an toàn cho cộng đồng
Dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở một số tỉnh, thành miền Trung ngay đúng mùa cao điểm của khách nội địa khiến hy vọng gượng dậy của ngành du lịch bị đổ vỡ. Hàng loạt kế hoạch kích cầu, phục hồi thị trường trước đó phải dừng lại ưu tiên an toàn, yên tâm cho cộng đồng.
CHẤP NHẬN “ĐỨNG YÊN” PHÒNG DỊCH
Do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 hồi đầu năm, mùa cao điểm khách nội địa năm nay bị kéo lùi. Phải đến đầu tháng 7, khách trong nước mới bắt đầu về BR-VT. Trong khi những năm trước, từ sau lễ 30/4, du lịch BR-VT dần có khách nghỉ hè và đến đầu tháng 6 các cơ sở lưu trú, điểm du lịch nườm nượp khách bất kể cuối tuần hay ngày thường.
Theo ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Ban quản lý (BQL) các KDL TP.Vũng Tàu, mùa du lịch hè năm nay tuy đến muộn nhưng có những tuần BQL các KDL thống kê các bãi tắm trên địa bàn đón gần 300.000 lượt khách tắm biển, vui chơi. Khách đổ về nườm nượp vào cuối tuần khiến người làm du lịch rất phấn khởi. Thế nhưng, tình hình khả quan chưa được bao lâu thì mọi hoạt động chững lại. Những chương trình kích cầu, dự định quảng bá, thu hút khách du lịch phải bỏ ngỏ.
Cho đến nay, Tổng cục Du lịch vẫn chưa có khuyến cáo người dân dừng đi du lịch mà chỉ có văn bản khuyến khích các địa phương, DN du lịch bật lại chế độ an toàn, thực hiện các quy định bảo đảm an toàn cho du khách trong mùa dịch. Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các DN du lịch tổ chức cuối tuần trước, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng nhấn mạnh, ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ vừa bảo đảm chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh, không để đứt gãy hoạt động kinh tế do dịch bệnh và tiếp tục nghiên cứu các chương trình kích cầu du lịch hợp lý, giới thiệu những mô hình, cách thức du lịch đảm bảo an toàn cho du khách.
Thế nhưng, thống kê tại các cơ sở lưu trú, lữ hành trên toàn tỉnh, hiện các tour có lịch khởi hành trong tháng 8 đã hủy, hoãn 99%. Các tour và dịch vụ đã đặt trong tháng 9 đang được du khách cân nhắc, tỉ lệ hủy, hoãn cũng đến 70%. Đại diện nhiều DN du lịch, dịch vụ trên địa bàn cho biết, dù nhiều hoạt động giải trí, ăn uống vẫn diễn ra bình thường nhưng người tiêu dùng đang lo lắng, nói không với du lịch dù đi theo quy mô gia đình hay du lịch cá nhân. Tâm lý không dám đi du lịch mang tính “dây chuyền” đang lan rộng trong cộng đồng.
Ghi nhận ở lĩnh vực lưu trú, tính đến ngày 14/8, một số khách sạn đã phát thông báo tạm thời đóng cửa vì dịch bệnh. Nhiều cơ sở khác đang tính toán phương án đóng cửa, hoạt động cầm chừng và hạn chế đón khách. Nhiều DN lâu năm trong ngành du lịch chia sẻ, gần 20 năm kể từ dịch SARS xuất hiện (năm 2003), du lịch cả nước mới lặp lại cú sốc nặng nề như vậy. Mùa cao điểm khách nội địa năm nay chỉ kéo dài đến khoảng hết tháng 8 nên cho dù các địa phương miền Trung có sớm khống chế được dịch bệnh thì cũng khó lòng có nguồn khách để mở cửa thị trường trở lại trong năm nay. Trong khi đó, thị trường khách quốc tế vẫn tiếp tục đình trệ vô thời hạn. Dư âm dịch sẽ còn dài, chưa bao giờ ngành du lịch lại rơi vào tình huống khó khăn như hiện tại.
CHIA SẺ KHÓ KHĂN
Khi hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng kinh doanh, DN đối mặt với nguy cơ thua lỗ, phá sản. Thế nhưng, trách nhiệm với người lao động và sự nghiệp phòng dịch luôn được các DN nêu cao. Theo ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc Hồ Mây Park, từ tháng 8, Hồ Mây Park bắt đầu cắt giảm lao động thời vụ, chỉ giữ lại gần 200 lao động đã được ký hợp đồng dài hạn và bảo đảm mức lương cơ bản. “Những ngày không có khách, chúng tôi tranh thủ tôn tạo khuôn viên, nâng cấp dịch vụ, duy tu trang thiết bị, đào tạo, nâng cao kỹ năng của nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp khi du lịch phục hồi trở lại”, ông Đậu Thế Anh nói.
Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, quan điểm của toàn ngành là dù chỉ còn một khách cũng sẽ phục vụ tốt nhất. Do vậy, thời điểm này tất cả các DN đã kích hoạt trở lại quy trình phòng dịch như: Vệ sinh thường xuyên cơ sở, trang bị và đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, thực hiện khai báo y tế cho khách, không đón khách đến từ vùng có dịch… bảo vệ an toàn cho du khách, lao động trong ngành và cộng đồng. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch cũng vận động các DN cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển… ứng xử văn minh, chung tay chia sẻ khó khăn với các DN lữ hành bằng cách hoàn trả tiền cọc đã đặt nhằm duy trì và củng cố mối quan hệ hợp tác lâu dài, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện và văn minh cho toàn ngành.
Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, trước khó khăn chung của toàn ngành do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra, thông qua Hiệp hội Du lịch, Sở Du lịch cũng đã có văn bản hướng dẫn các DN kinh doanh dịch vụ du lịch thống kê thiệt hại, làm hồ sơ đề nghị gia hạn, miễn tiền chậm nộp thuế, khoanh nợ vay, giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất, giảm phí, lệ phí… Đề nghị các DN khẩn trương thống kê làm thủ tục theo hướng dẫn để được hỗ trợ giảm bớt khó khăn hiện nay.
Nguồn: Báo Bà Rịa Vũng Tàu
Xem thêm: Những điều không nên làm khi đi du lịch mùa COVID, Kiểm soát chặt nguồn khách